Lập Trình WordPress Có Cần Biết PHP?

Đêm khó ngủ, dậy viết 1 bài liên quan đến việc học WordPress. Cách đây vài hôm trên group WordPress Việt Nam có 1 bạn hỏi về việc code WordPress có cần phải biết PHP hay không? Hay chỉ cần sử dụng HTML – CSS là đủ.
Qua status của bạn này, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Người thì bảo có, người thì bảo không. Trong bài viết này, tôi xin phân tích để giải đáp thắc mắc về việc lập trình WordPress có cần biết PHP không?
WordPress là gì?
Trước khi đi vào nội dung chính, chúng ta hãy tìm hiểu xem WordPress là gì?
WordPress là một hệ thống xuất bản blog viết bằng ngôn ngữ lập trình PHP và sử dụng MySQL database (cơ sở dữ liệu MySQL). WordPress là hậu duệ chính thức của b2/cafelog, được phát triển bởi Michel Valdrighi. Cái tên WordPress được đề xuất bởi Christine Selleck, một người bạn của nhà phát triển chính Matt Mullenweg.
Xem chi tiết tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/WordPress
Từ khái niệm ta biết WordPress được viết bằng ngôn ngữ lập trình PHP kết hợp với hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL. Cho nên, để lập trình được trên WordPress chúng ta phải biết lập trình PHP là điều tất nhiên.
WordPress có rất nhiều Themes và Plugins
Không thể phủ nhận WordPress có cộng đồng phát triển rất lớn trên thế giới và có rất nhiều Themes, Plugins được chia sẻ miễn phí.
Có nhiều bạn nói rằng: Không cần phải biết PHP, chỉ cần biết HTML, CSS và biết sử dụng Themes, Plugins là có thể làm được website. Tìm themes sẵn về cài đặt, sau đó sử dụng HTML, CSS để sửa lại theo ý mình. Thiếu chức năng nào chúng ta tìm Plugins cài đặt là xong!
Với những website đơn giản, chúng ta thường làm như vậy. Tôi cũng đã từng làm như vậy với những blog cá nhân cơ bản. Nhưng nếu bạn muốn làm thêm một số chức năng khác ở trong website đó thì sao? Và không phải plugins nào của WordPress cũng đáp ứng được yêu cầu của chúng ta.
Đấy là tôi chưa nói đến việc bạn sử dụng quá nhiều Plugins sẽ gây nặng website. Có nhiều chức năng đơn giản mà không cần sử dụng đến Plugins, chỉ cần vài dòng code PHP là xong (Nếu bạn biết lập trình PHP).
Đến đây, nhiều bạn sẽ nghĩ là chúng ta sẽ tìm kiếm những đoạn code PHP có sẵn nhờ vào cụ Google. Cách này rất tốt, tôi cũng đang sử dụng nó để tiết kiệm thời gian. Nhưng không phải bạn tìm cái gì nó cũng ra, không tính đến việc bạn không biết PHP bạn sẽ không hiểu họ viết gì? Và bạn copy y nguyên dòng code của người ta bỏ vào website của mình. Liệu trong đoạn code đó có mã độc không? Chắc đến đây bạn hiểu tôi nói gì.
Những ai không cần thiết phải học PHP?
Dưới đây tôi xin liệt kê những nhóm người không cần thiết phải học PHP mà chỉ cần biết HTML, CSS và biết sử dụng WordPress, Themes, Plugins. Nếu biết PHP thì càng tốt nhé.
- Những người không mong muốn đi theo nghề lập trình WordPress (WordPress Developer)
- Những người làm Marketing Online
- Những người chỉ muốn viết blog để chia sẻ
- Những người làm MMO
Những ai cần phải học PHP trước khi học WordPress?
- Những người mong muốn trở thành WordPress Developer
- Những người muốn tự xây dựng website theo phong cách của riêng mình
Quy trình học lập trình WordPress
- HTML – CSS: Dựng giao diện website
- Javascript và jQuery: Xử lý các hiệu ứng chuyển động (Slideshow, Back to top, Fixed Header Scroll…) và các thao tác cần xử lý ở Front-end
- PHP & MySQL
- Xây dựng một Project bằng PHP & MySQL để hiểu bản chất hoạt động của 1 website
- Tiếp cận và học lập trình WordPress
Kết Luận
Học PHP trước khi học WordPress là tùy vào nhu cầu của mỗi người, nhưng nếu bạn đã mong muốn lập trình trên WordPress bạn bắt buộc phải học ngôn ngữ lập trình PHP. Ngược lại, bạn chỉ cần sử dụng với nhu cầu blog cá nhân thì chỉ cần học cách sử dụng WordPress, Plugins và Themes là được.
PS: Bài viết dưới góc nhìn của cá nhân. Không có ý phê phán hay chỉ trích. Anh vui lòng đóng góp ý kiến bằng cách comment ngay phía dưới bài viết này.